Gia đình hạnh phúc của con dâu cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng

Trong câu chuyện với chúng tôi, chị dường như không muốn nói tới như một gia đình nhà Tướng mà chỉ như một mái ấm bình thường như bao mái ấm khác, có mẹ, cha và những đứa con ngoan.

Trong nhà, chị cũng chỉ là một người mẹ, một người vợ, một nàng dâu vẫn hàng ngày chăm lo cho bữa ăn giấc ngủ của chồng con, thậm chí chỉ nhận về mình điểm 4 trên thang điểm 10 về tiêu chuẩn của sự hoàn hảo.

Trong một lần đến chơi nhà người chị, chị vô tình gặp và quen với chàng sĩ quan quân đội có cái tên đặc biệt: Sơn Dương. Vẻ hiền lành, điển trai và khá trầm tĩnh của anh đã thu hút chị ngay từ cái nhìn đầu tiên, chị biết đây sẽ là người đàn ông của cuộc đời mình.

Mối tình sét đánh, yêu chỉ là vì yêu thôi, chứ nghề nghiệp hay xuất thân đâu có phải là thứ đảm bảo cho hạnh phúc cả đời. Khi biết được xuất thân của anh, chị cũng “sốt” nhưng tình yêu và sự chân thành của anh kéo chị lại.

Cuộc tình đẹp đánh dấu bằng một đám cưới trong sự chúc phúc của gia đình, bạn bè cho cặp trai tài – gái sắc. Hạnh phúc đến đồng nghĩa với những trách nhiệm mà chị bắt đầu phải gánh trên vai, trong sự trông đợi kì vọng của rất nhiều người.

Cuộc đời làm vợ, làm dâu rồi làm mẹ của chị không hoàn toàn dễ dàng như người ta nghĩ. Khi đứng trên sân khấu, chị là niềm ngưỡng mộ của bao người, nhưng khi về gia đình chồng, cũng như bao phụ nữ khác, chị phải gánh vác vai trò của một người làm dâu, làm vợ.

Chị phải thay đổi nhiều về nếp sống, ứng xử bản thân cho phù hợp với gia đình. Không ai bắt buộc chị phải ngừng hát mà chính bản thân chị xác định và lựa chọn. Sự yêu thương của chồng, sự trìu mến và chăm sóc của gia đình chồng là món quà lớn nhất mà cuộc đời dành cho chị.

Khi có người hỏi, chị chỉ cười: “Tôi đã bao giờ ngừng hát đâu, không hát trên sân khấu nữa thì hát ru con, hát cho bạn bè nghe. Trước kia hát cho nhiều người cảm xúc bao nhiêu thì giờ đây cảm xúc cũng nguyên vẹn bấy nhiêu, có điều nó cô đọng lại, chỉ dành cho số ít mà thôi”.

Cậu cả Quốc Hoa năm nay cũng đã bước vào lớp 11, cao tới 1m81, có nụ cười lấp lánh như cha. Cũng như mẹ ngày xưa, cả con trai và con gái chị đều là những “hạt giống” trong các phong trào ở trường lớp.

Không như những người mẹ khác bao bọc và cưng nựng các con từng chút một, Minh Châu ngược lại, chị buộc các con mình phải có những suy nghĩ và quyết định độc lập.

Cuộc đời các con để các con tự quyết, còn cha mẹ chỉ cố gắng tạo những điều kiện cơ bản tốt nhất làm hành trang khi các con bước vào đời.

Chị cũng không tạo nên những áp lực cho các con khi nghĩ mình được sinh ra trong một gia đình đặc biệt, trẻ con thì nên để cho chúng được sống tự nhiên như những gì chúng muốn, cha mẹ chỉ theo dõi và hướng tới mà thôi.

Với chị, Sơn Dương là một người chồng thực sự đáng kính. Khi ra ngoài anh là Tướng nhưng khi về nhà, anh lại là người chồng hết lòng chăm lo và chiều chuộng vợ. Gia đình, hai đứa con xinh xắn ngoan ngoãn là gia tài lớn nhất mà chị đang cố gắng giữ gìn và vun đắp.

Nhìn niềm vui của chị, chúng tôi hiểu được cái giá của sự lựa chọn, đánh đổi giữa sự nghiệp, danh tiếng và hạnh phúc gia đình. Với Minh Châu, sự lựa chọn ấy lại là một trong vô số những điều hiển nhiên ở đời.

Dù là nghệ sĩ, nhà giáo, nhà khoa học hay bất kì ở một ngành nghề nào khác thì cái đích hướng tới của một người phụ nữ không phải là sự hào hoa bên ngoài mà là một gia đình êm ấm hạnh phúc cho riêng mình, được sinh ra những đứa con cho người đàn ông mà mình yêu thương, được nuôi dạy các con khôn lớn lên từng ngày.

Từng gắn bó với ánh đèn sân khấu không phải một sớm một chiều, từng nhận được bao lời tán dương, bao ánh mắt ngưỡng mộ của người đời để rồi rút về làm một người phụ nữ của gia đình, Minh Châu chưa từng phải hối hận vì những quyết định của mình, bởi lẽ chị luôn xác định được con đường mà mình phải đi, điều gì chỉ là hư ảo trong mỗi con người.

Tự nhận gia đình mình không phải là một gia đình kiểu mẫu để mọi người noi theo nhưng trong chừng mực thì sự hài hòa là bí quyết để giữ được sự ấm áp đối với mỗi thành viên.

Chị quan niệm mỗi một gia đình, mỗi một tình yêu đều là một câu chuyện xuyên suốt mà mọi thành viên đều phải hướng vào. Người mẹ, người phụ nữ phải đóng vai trò như một gốc cây, để từ cái gốc đó, những tán, cành có thể vươn lên một cách vững chắc.

Cái gốc có vững, thì tán cành mới không bị ngả nghiêng. Chăm con, hát ru, lau dọn, quét nhà, giặt giũ,… những công việc xưa nay vẫn thường gắn với phụ nữ cũng không phải là điều quan trọng nhất. Điều quyết định vẫn là ở chính bản thân họ biết mình cần gì và muốn gì.

Cám ơn cuộc đời vì đã có phần ưu ái dành cho mình, chị tủm tỉm cười: “Dù là xét theo tiêu chuẩn phụ nữ xưa hay nay thì mình cũng chỉ được 4 điểm trên thang điểm 10”.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *